Bồi dưỡng và vun đắp các mối quan hệ luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Điều này không chỉ hình thành quan điểm của trẻ, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện cho con.

Khi trẻ thể hiện cảm xúc bản thân: khóc, cười, hờn, giận… và được vỗ về, an ủi, động viên hay khích lệ, con sẽ học được cách giao tiếp, suy nghĩ và phát triển các kỹ năng xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ví dụ, khi con "tìm kiếm" sự chăm sóc hay cần những chiếc ôm từ bố mẹ và được đáp lại một cách ấm áp - điều này vừa giúp trẻ hiểu về giao tiếp và cảm xúc, vừa xây dựng cảm giác an toàn, tin tưởng và yên bình trong mối quan hệ giữa bạn và trẻ. Việc này thậm chí còn giúp trẻ tự tin hơn khi khám phá thế giới xung quanh.

Ngoài ra, trẻ cũng cần được kích thích từ những trải nghiệm mới để học cách giao tiếp, phản ứng và hòa nhập xã hội. Trẻ càng có nhiều trải nghiệm, con càng trưởng thành và phát triển toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, mối quan hệ của bố mẹ với những người xung quanh cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của con. Cách bố mẹ tương tác với mọi người, bao gồm bạn đời, gia đình, bạn bè... đều là tấm gương cho con trong cách ứng xử và giao tiếp.

Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển, vui chơi luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của trẻ. Khi bố mẹ tham gia vào hoạt động vui chơi cùng con, bạn không chỉ khuyến khích sự sáng tạo của trẻ, mà còn là cơ hội vun đắp, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Sự gắn kết, sẻ chia, yêu thương giữa bố mẹ và con chính là nền tảng cho sự tự tin, khả năng tự phục hồi về mặt cảm xúc và khả năng giao tiếp ở trẻ. Những kỹ năng này sẽ trở thành “bệ phóng” quan trọng khi trẻ lớn, giúp con biết cách giải quyết vấn đề, “quản lý” cảm xúc, và xây dựng mối quan hệ “healthy” với người khác.