Trong Marketing hiện đại, thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng danh tiếng và thu hút khách hàng. Một trong những chiến lược marketing “định đoạt” mức ảnh hưởng và độ nhận diện của thương hiệu “trendy” nhất hiện này chính là “Nhân vật thương hiệu”. Nắm bắt được xu hướng, các doanh nghiệp đã và đang “nhanh chân” bước vào lĩnh vực này.

1/ Nhân vật thương hiệu trong marketing là gì?

Nhân vật thương hiệu là hình ảnh hoặc biểu tượng mang tính đại diện cho thương hiệu. Chúng có thể là con người, con vật, đồ vật, hay bất cứ hình tượng hư cấu nào có thể truyền tải được tính cách thương hiệu đến khách hàng. Nhân vật thương hiệu thường xuất hiện trong quảng cáo, trên sản phẩm hoặc bất cứ nội dung truyền thông nào của thương hiệu.

Ví dụ điển hình có thể kể đến như Ronald McDonald của McDonald's, chú hổ Tony the Tiger cùng slogan nổi tiếng của Kellogg: “They’re gr-r-reat” – Thật ng-gon…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

2/ Dễ nhớ, tạo ấn tượng lâu dài

Sự độc đáo của marketing dựa trên nhân vật còn nằm ở khả năng “gây thương nhớ”. Người tiêu dùng có thể nhớ những nhân vật và các câu chuyện liên quan đến chúng hơn là logo tĩnh hoặc khẩu hiệu truyền thống. Yếu tố này đang chiếm ưu thế vô cùng lớn, đặc biệt là trong thời đại thông tin đang bị quá tải, nơi các thương hiệu liên tục cạnh tranh để thu hút sự chú ý và “đầu tư” của người tiêu dùng.

Ví dụ như hãng kẹo socola M&M's đã đưa ra một chiến lược quảng bá vô cùng thú vị, đó là mỗi viên kẹo của M&M's đều có tên, màu sắc riêng và được chỉ định giới tính. Không chỉ riêng với các bạn nhỏ, người lớn cũng bị ấn tượng với M&M's bằng những hình ảnh sống động và các đoạn quảng cáo ngắn. Hay mỗi khi nhắc đến Vinamilk, hình ảnh những chú bò sữa vui vẻ, tự tin, đáng yêu luôn hiện lên trong tâm trí người dùng…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều này giúp thương hiệu trở nên TOM (Top of Mind) tức là độ nhận diện cao nhất về thương hiệu mà người tiêu dùng nghĩ đến đầu tiên khi có nhu cầu liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà thương hiệu đó cung cấp. 

Đặc biệt, nếu biết sử dụng nhân vật một cách thông minh và đúng cách, thương hiệu còn có thể viral trên MXH, tạo ra làn sóng mạnh mẽ, có dấu ấn riêng cũng như khẳng định độ uy tín của thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Một số thương hiệu đã rất thành công trong việc sử dụng nhân vật thương hiệu tại Việt Nam như: MoMo, Beamin, Vinamilk, Kun, NuVi, LiveSpo...

3/ Thay đổi cách nhìn về thương hiệu và tăng doanh thu

Thay vì chỉ xem thương hiệu như một công ty cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ, nhân vật thương hiệu được coi như một phần của cuộc sống, một phần của văn hóa và có giá trị riêng. 

Bằng những câu chuyện thú vị, độc đáo, nhân vật có thể thay đổi góc nhìn của người tiêu dùng về thương hiệu. Họ không chỉ mua sản phẩm mà còn mua chính câu chuyện, mua cảm xúc, mua giá trị mà thương hiệu mang lại. Điều này vừa giúp thương hiệu gắn kết với khách hàng,vừa tạo ra doanh thu đáng kể cho thương hiệu. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ví dụ: Disney đã sử dụng những nhân vật hoạt hình như Mickey Mouse, Cinderella, Elsa… để xây dựng một “đế chế giải trí” toàn cầu. Các nhân vật này không chỉ tạo ra doanh thu khổng lồ từ các bộ phim hoạt hình, mà còn trên quần áo, đồ chơi, cùng các trải nghiệm giải trí tại các công viên... Hay hình ảnh ông già Noel vui vẻ uống Coca-Cola đã làm tăng doanh thu mạnh mẽ cho thương hiệu này vào những mùa Giáng Sinh. 

Tóm lại, bên cạnh việc thúc đẩy doanh thu, phủ sóng thương hiệu, nhân vật thương hiệu còn là một phương thức mạnh mẽ để thương hiệu tạo sự khác biệt. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong thời đại hiện nay, nơi các thương hiệu cần nổi bật và tạo dấu ấn riêng để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.